Pages

Saturday, January 21, 2023

Năm 2022 nhìn lại


Một năm bận rộn cũng sắp kết thúc. Để bố kể cho Sóc nghe về năm nay của nhà mình nhé. Nửa đầu năm là thời gian mà cả bố mẹ đều lao đầu vào công việc. Mẹ mới chuyển chỗ làm nên cần làm việc chăm chỉ để bắt nhịp với chỗ làm mới. Mẹ đi làm cả ngày, tối về cũng làm thêm để cho kịp tiến độ. Mẹ cũng phải tranh thủ làm thêm cả cuối tuần. Làm nghiên cứu như mẹ mệt lắm Sóc nhé. Hàng tuần mẹ phải báo cáo với sếp, rồi 1,2 tháng lại có hạn nộp báo. Nhiều hôm bố cũng phải bảo mẹ là không cần gắng sức quá. Nhưng tính mẹ Sóc thì không như thế được. Mẹ làm gì cũng rất có trách nhiệm, không bao giờ làm qua loa cho xong việc. Điểm này thì bố còn phải học mẹ nhiều. 

Bố thì bắt đầu quen với công việc mới, nhưng công việc thì ngày càng nhiều. Bố dạy một lúc hai môn nên phải chuẩn bị tài liệu hàng tuần. Bố cũng phải làm việc cả buổi tối. Bố nhớ nhiều hôm phải thức khuya để cho kịp buổi dạy ngày mai. Chắc Sóc thắc mắc bố mẹ làm việc gì mà khó thế nhỉ? Hi, công việc của bố mẹ thì không có khuôn mẫu gì cả và mỗi việc lại phải tìm cách làm từ đầu Sóc ạ.  Như việc của mẹ thì còn phải tốt hơn của người khác. Việc của bố thì phải viết bằng tiếng nước ngoài. Cả bố mẹ đều chọn việc khó để làm Sóc ạ.

Nửa sau của năm là bố mẹ đã có Sóc rồi. Sóc trở thành niềm vui lớn nhất của cả nhà. Cả bố và mẹ đều rất hạnh phúc khi thấy Sóc lớn lên hàng ngày. Lúc bố viết bài này thì Sóc đã được 6 tháng rồi. Sóc đạp khoẻ lắm, nghe mẹ bảo thế. À bố quên, lúc này Sóc với mẹ đang ở nhà ông bà ngoại ở Việt Nam, còn bố thì ở một nơi gọi là Nhật Bản. Vì công việc nên bố không thể ở bên Sóc lúc này được.  Nhưng tối đến thì bố vẫn kể chuyện cho Sóc nghe hàng ngày nhé. Bố kể nào là Dế Mèn phiêu lưu ký, Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc, Totochan bên cửa sổ cho Sóc nghe đấy. Thỉnh thoảng Sóc cũng được gì Minh kể chuyển cho nghe đấy. Vừa rồi mẹ bị ốm nhưng giờ cũng đỡ rồi, Sóc cứ yên tâm nhé. Mẹ còn cho sóc nghe tiếng nước ngoài, nhạc giao hưởng để sau này Sóc thật thông minh. Hihi, cái này thì bố cũng không hiểu lắm nhưng nghe mẹ bảo thế. Chắc Sóc thắc mắc sao bố mẹ lại gọi mình là Sóc nhỉ. Đó là vì  bố mẹ muốn con sau này nhanh nhẹn, hoạt bát, và chăm chỉ như những chú Sóc. Mà Sóc ở trong bụng mẹ hay lắm nhé. Toàn lấy tay che mặt thôi. mấy lần các bác sỹ muốn xem mặt sóc mà cũng không được. Sóc thích nghịch tay nên lúc nào bố cũng thấy sóc đan tay vào nhau.

Một năm bận rộn, vất vả nhưng cả bố và mẹ đều rất vui vì có Sóc đồng hành. Bố mẹ sẽ tiếp tục cố gắng vì gia đình nhỏ của mình.

Tuesday, July 27, 2021

Sony hồi sinh như thế nào

 Cảm nghĩ sau khi đọc bài viết "Sony hồi sinh như thế nào" trên Tinhte

Từ ngày sang Nhật, mình đã luôn nhận đường 2 luồng ý kiến về sự phát triển của Nhật. Đầu tiên là tư tưởng "Nhật đang tụt hậu" như là nền kinh tế đang đi rất chậm, thậm chí còn được cho rằng là đang dừng lại, không hề có sự tăng trưởng so với thời kì bùng nổ trước đây. Điều này có thể sẽ dẫn một nước Nhật sẽ không thể cạnh trạnh với các nước đang (dần) lớn mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. Có 2 lý do chính cho vấn đề này là 1) tỉ lệ dân số già hoá và 2) sự cẩn thận bị coi là "quá mức". Hệ lụy của 2 điều này là sự trì trệ của một đoàn tàu (đã từng là siêu tốc). Khác với các quốc gia đang phát triển hay những đoàn tàu nhỏ, việc thay đổi, nâng cấp một đoàn tàu lớn sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức. Thêm vào đó, một bộ phận không nhỏ những chủ tàu lớn tuổi vẫn đang hoài niệm về thời kì hoàng kim trong quá khứ với những mẻ cá đầy và con tàu nguy nga. Với một tư tưởng bảo thủ, họ ngại và không muốn thay đổi, thậm chí khó có thể nhìn nhận vào thực tế hiện tại. Bên cạnh đó, bởi đặc tính luôn "tỉ mỉ, cẩn thận", Nhật được coi là sẽ thua cuộc trong sự cạnh tranh về tốc độ (hay thời gian đề xuất và chế tạo 1 sản phẩm), và, như một hệ quả, giá thành cũng sẽ cực kì đắt đỏ. Cho dù sản phẩm "made in Japan" luôn được tín nhiệm, nhưng nó đã dần mất đi thị phần trên thế giới. Cho đến nay, mình vẫn đang tìm hiểu: Làm thế nào Nhật sẽ lại một lần nữa vực dậy mạnh mẽ?

Trong một lần nói chuyện, chồng mình đã từng cảm nhận rằng: Những người già ở Nhật, họ vẫn luôn có niềm tin mạnh mẽ: Cho dù thế nào, thì với tinh thần samurai (hay tinh thần của một dân tộc lớn), Nhật sẽ vẫn trỗi dậy khi gặp sóng gió. Đây chính là luồng ý kiến thứ 2 mình muốn đề cập. Sau khi đọc bài viết trên Tinhte, mình đã hoàn toàn đặt niềm tin vào điều này. Ở Nhật, họ không chỉ có tinh thần của một nước lớn: sự chăm chỉ, ý chí không từ bỏ, mà điều quan trọng là họ biết giá trị cốt lõi (đơn giản hơn là điểm mạnh và điểm yếu của bản thân). Nếu cứ tiếp tục đối đầu bằng điểm yếu của mình, thì hiển nhiên việc thất bại chỉ còn là vấn đề thời gian. Việc xoay bánh lái, tấn công vào hướng mình có thế mạnh sẽ là việc cần phải làm để thay đổi tình hình.

Từ vấn đề của 1 quốc gia, mình muốn liên kết nó với vấn đề của một cá nhân như sau. Để đối mặt với khó khăn, bạn sẽ có thể 1) coi nó cố hữu không thể tránh khỏi thì cố gắng mà cải thiện (nếu bạn nhận định như ý kiến 1),  hoặc 2) xoay sự tập trung vào phát triển tối đa những điểm mạnh và chấp nhận điểm yếu.  

Friday, July 16, 2021

100 ngày làm giáo viên

Điểm qua lại công việc sau 100 ngày đầu tiên làm giáo viên.

Dạy học:

Một điều thuận lợi là toàn bộ tài liệu giảng dạy (slides, bài tập, đề kiểm tra, ghi âm bài giảng) được thầy phụ trách trước đó chuyển giao lại. Công việc còn lại là đọc hiểu slides và luyện nói. Kiến thức thì gần như phải ôn lại toàn bộ vì những thứ học 10 năm trước giờ chỉ còn nhớ rất ít. Thông thường mất 1 ngày làm việc để chuẩn bị cho một tiết học 100 phút. Các môn học ở Nhật thì thường đi kèm một tiết thực hành trên máy tính, việc hướng dẫn sinh viên làm bài tập bản thân tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm nên không gặp quá nhiều khó khăn.

Tôi còn được giao phụ trách hướng dẫn một nhóm sinh viên năm nhất làm quen với việc học tập ở trường. Dù cũng tính là môn học nhưng nội dung bài giảng thì hoàn toàn do thầy hướng dẫn quyết định và không có sách giáo khoa. Lúc hỏi các thầy khác thì được cho biết là có thể cho sinh viên chơi games, làm việc nhóm, vv. Với sinh viên ngành công nghệ thông tin, việc có thể sử dụng thành thạo máy tính, một vài ngôn ngữ lập trình, và nhiều công cụ khác là rất quan trọng cho công việc sau này. Dù Nhật là một trong những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ, tôi khá ngạc nhiên là khoảng một một phần ba số sinh viên trong nhóm gần như chưa có kinh nghiệm sử dụng máy tính. Do đó tôi tập trung vào việc giúp sinh viên làm quen với máy tính hơn thông qua việc gõ văn bản, làm slides, làm websites, sử dụng Github, FFMPEG. Một nội dung quan trọng khác là cho sinh viên trải nghiệm các sản phẩm công nghệ mới nhất như Virtual Reality, 3D. Phần lớn sinh viên rất hứng thú với nội dung này.

Ngoài việc giảng dạy trên lớp, giáo viên còn có nhiệm vụ kiểm tra tình hình cũng như tư vấn, giải đáp thắc mắc của sinh viên hai lần trong một học kỳ. Các giáo viên sẽ được giao phụ trách một nhóm sinh viên của mỗi khóa. Hiện tại tôi đang được giao quản lý khoảng 30 sinh viên từ năm nhất đến năm 3.

Ngoài sinh viên trong trường, tôi cũng được một trường cấp 3 trong vùng nhờ làm tư vấn cho học sinh của họ. Học sinh hỏi ý kiến về dự án nghiên cứu mà các em đang làm, và tôi sẽ là giải đáp qua Google Hangout. Dù chỉ khoảng 30 phút, cũng khá thú vị khi tiếp xúc với một bạn học sinh phổ thông nhưng rất tò mò về các nghiên cứu tôi đang làm. 

Làm nghiên cứu:

Đây là điều hiếm hoi không thay đổi so với thời gian đi làm ở công ty, vẫn là tìm và giải quyết vấn đề, sau đó viết báo. Thêm vào đó là xây dựng các demos để giới thiệu các nghiên cứu của mình. Ngoài việc làm nghiên cứu thì giáo viên cần viết hồ sơ xin dự án làm nghiên cứu từ các quỹ bên ngoài. Vì có rất ít kinh nghiệm, việc viết dự án tốn kha khá thời gian. Việc viết bằng tiếng Nhật cũng là trở ngại vì gần như chưa bao giờ viết bằng tiếng Nhật. Đây là một điểm cần phải cải thiện.

Chuẩn bị đề tài nghiên cứu cho sinh viên: Mỗi năm giáo viên sẽ được phân công hướng dẫn từ 8 đến 10 sinh viên năm thứ 3 làm đề tài tốt nghiệp. Dù các đề tài chính đã có, công việc cụ thể cho mỗi sinh viên sẽ quyết định sau khi sinh viên bắt đầu vào lab. Với đặc thù xin việc ở Nhật, các sinh viên vào lab từ cuối năm thứ 3 sẽ làm nghiên cứu tốt nghiệp khoảng 6 tháng. Sau đó sẽ bắt đầu vào thời gian đi tìm việc từ đầu năm 4 và kéo dài ít nhất 3-4 tháng. Do vậy, thời gian sinh viên có thể tập trung làm là không quá nhiều nên cần chuẩn bị rất kỹ.

So với thời gian đi làm công ty, có vẻ khối lượng công việc cũng không có nhiều khác biệt nhưng thời gian giành cho việc họp hành thì ít hơn hẳn. Tuy nhiên, nhìn các thầy xung quanh thì có vẻ sẽ bận rộn hơn khi sinh viên bắt đầu vào lab. Dù thế nào đi nữa thì cũng phải đảm bảo "work-life harmoney" :)


Thursday, January 14, 2021

Presentation at ICCE 2020

 Our research work on HTTP2-based application layer throughput control has been presented at ICCE 2020 by Phan Van Hoa. The conference is organized in Phu Quoc, VietNam on Jan. 2021. Here is the presentation slides.



Tuesday, December 29, 2020

Năm 2020 nhìn lại

 2020 là một năm có nhiều biến động lớn trong cuộc sống của nó, có lẽ là lớn nhất kể từ khi sang Nhật du học cách đây 8 năm. Từ gia đình đến công việc nó đều trải qua những thay đổi lớn. Bắt đầu năm 2020 với sự háo hức của một nhân viên mới đi làm, nó lao đầu vào công việc để chứng minh bản thân ở một môi trường mới. Đi làm sớm, rồi về muộn, đến mức sếp phải nhắc nhở là làm ít thôi không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nó cố gắng hoàn thành các công việc được giao đúng hạn, và dành thêm giờ để làm nghiên cứu khoa học. Kết thúc năm, kết quả là hai bài báo nghiên cứu và hoàn thành một dự án, mình có thể làm tốt hơn, nó nghĩ thế. Ngoài công việc ở công ty, nó giành thời gian buổi tối để hướng dẫn một nhóm sinh viên ở BKHN. Được làm việc với các bạn sinh viên đam mê tìm tỏi học hỏi là một trải nghiệm quý giá và nó cũng không hiểu tải sao nó lại thích làm. Cái này có lẽ cũng giống như việc nó thích đá bóng, thích đọc sách, hay thích tiếng Nhật, không có lý do gì cả. Cả ba sinh viên làm việc với nó đều đã tốt nghiệp, mỗi đứa đều đang đi tiếp trên con đường riêng của mình.

Lấy vợ, nó đã đặt ra mục tiêu như vậy từ đầu năm. Nó muốn có một người đi cùng nó trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời. Nó rất hạnh phúc vì đã tìm được một người như vậy, một người có thể cùng sẻ chia với nó, chịu được những tính xấu của nó, và đã giúp nó trưởng thành rất nhiều. Cuộc sống thật khéo sắp đặt, nó không ngờ cô sinh viên nó giúp đón sang Nhật 5 năm trước giờ đã thành vợ của nó. Một hành trình dài, nhiều kỷ niệm vui buồn, đã khép lại, mở ra một hành trình mới đầy hy vọng ở trước mắt. Vì con covid-19, nên lễ cưới của nó chỉ có bạn bè và thầy cô ở bên Nhật. Đám cưới nhỏ nhưng ấm cúng, nó nghĩ thế. Ngoài bố mẹ anh chị em thì những người nó quen biết gần 10 năm qua gần như chỉ ở thành phố nhỏ bé Aizu, nơi nó xem như quê hương thứ hai. Kế hoạch đi tuần trăng mật cũng phải hủy do covid, thế là hai vợ chồng nó chỉ đi chơi xung quanh Tokyo, nhưng cũng không sao, miễn là hai vợ chồng ở bên nhau, nó nghĩ thế.

Chuyển việc, một quyết định làm nó đắn đo rất nhiều. Khi đi phỏng vấn ở chỗ làm mới, nó nghĩ mình chỉ đi lấy kinh nghiệm là chính vì lần trước nó còn không qua được vòng hồ sơ. Nhưng khi nhận được kết quả tuyển dụng và phải quyết định trong vòng một tuần, nó bắt đầu thấy khó khăn trong việc lựa chọn. Đi hay ở, đó chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng. Từ trước đến giờ, đã có một hai lần nó cũng phải quyết định như vậy, và nó đều đã chọn ở lại. Nhưng lần này việc đi hay ở đối với nó đều không thể quyết định ngay được. Vì gia đình, vì công ty, hay vì bản thân mình. Ở lại đi, nó nghĩ vậy trên đường đi làm. Hay ra đi nhỉ, nó phân vân trên đường đi về. Làm sao để quyết định đây. Cuối cùng nó quyết định ra đi, đó là ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu nó vào buổi sáng nó thức dậy. Công việc tiếp theo của nó sẽ là giảng viên ở một trường đại học. Có vẻ nó có duyên với công việc này, gia đình nó thì hai chị đều là giáo viên, đến các anh rể của nó cũng là giáo viên, rồi ước mơ của vợ nó cũng là trở thành giáo viên.

Nhận giải thưởng. Khi vào công ty, nó đã tự đặt ra mục tiêu cho mình là trở thành researcher giỏi nhất. Trong năm 2020, nó cũng trở thành người giỏi nhất trong công ty, nhưng không phải là về thành tích nghiên cứu mà là về điểm thi TOEIC. 980/990, đến chính nó cũng khá bất ngờ về điểm số này, 5 năm rồi nó mới lại được nhận một giải thưởng gì đó :) Còn tiếng Nhật thì sao nhỉ, dùng tiếng Nhật để làm việc hàng ngày nhưng việc viết báo cáo hay trình bày rõ ràng bằng ngôn ngữ này với nó vẫn còn rất khó khăn. Chắc là vì chưa tiếp xúc đủ nhiều, nó nghĩ vậy. Thế là nó mua sách về đọc để nâng cao vốn từ vựng, cách nói chuyện, cách viết lách. Kết quả về ngôn ngữ thì chưa thấy đâu, nhưng đọc sách đem lại nhiều kiến thức mới mẻ cũng như làm rõ ràng hơn những hiểu biết của nó về văn hóa Nhật Bản.

Tạm biệt năm 2020 với rất nhiều kỷ niệm, chào đón năm 2021 với một tinh thần mới và hy vọng vào những trải nghiệm thú vị mới.

Saturday, October 17, 2020

Làm nghiên cứu như thế nào (Phần 2)

Phần Introduction là phần mở đầu của một bài báo, và thường bao gồm 3 phần chính:

1. Giới thiệu tổng quan bối cảnh của nghiên cứu (context)

2. Giới thiệu vấn đề bài báo sẽ giải quyết (problem)

3. Giới thiệu tổng quan về phương pháp bài báo đề xuất (solution) 

***********************************************************************************

1. Giới thiệu tổng quan bối cảnh của nghiên cứu (context)

Ở phần đầu tiên (context), mục đích là giúp người đọc nắm được các thông tin cơ bản về đề tài nghiên cứu (topics) của bài báo. Ví dụ khi đề tài nghiên cứu là "Viewport Adaptive Streaming for 360 Video", thì phần context phải cung cấp được thông tin về 1) 360 Video và 2) Viewport Adaptive Streaming. Đây là đoạn viết về 360 Video:

360-degree video (360 video for short) is the main content type in Virtual Reality [1], being used in a wide range of applications such as VR sport, VR games [2]. 360 video has a much higher resolution and frame rate than conventional flat video. For example, to offer true immersion to the user, 360 video is expected to have a resolution of 24K and a frame rate of 60fps [3]. As a result, 360 video requires high bandwidth when streaming over networks.

Ở đây, đầu tiên mình bắt đầu bằng việc giới thiệu 360 video là một loại nội dung chính trong hệ thống thực tế ảo (Virtual Reality) cũng như các ứng dụng của nó. Sau đó, mình tập trung vào giới thiệu các sự khác biêt của 360 video so với video thông thường: độ phân giải và frame rate rất lớn. Một cách hiệu quả để giúp người đọc dễ hình dung là đưa ra các con số cụ thể như ở câu số 3. Cuối cùng, mình đề cập đến hệ quả của chúng lên tốc độ đường truyền cần thiết cho loại video này. Câu cuối cùng này là tiền đề để giới thiệu về "Viewport Adaptive Streaming" ở đoạn tiếp theo. Đây là một cách mình thường dùng để tạo kết nối giữa các đoạn trong bài báo.

To reduce the bandwidth required for 360 video streaming, Viewport Adaptive Streaming (VAS) has been proposed. The basic idea is to deliver the viewport (i.e., video part visible to the user) at a high bitrate (quality) while delivering the other parts at a lower bitrate (quality) [4]. In the literature, Viewport Adaptive Streaming is usually implemented using the so-called tiling-based approach [4], [5]. In tiling-based VAS, a 360 video is spatially divided into multiple parts called tiles. Each tile is independently encoded into multiple versions of different bitrates (quality levels). Tiles overlapping (non-overlapping) the viewport are delivered at high (low) bitrate.

Ở phần giới thiệu về Viewport Adaptive Streaming, đầu tiên mình giới thiệu về mục đích của công nghệ này theo cấu trúc: 

To ..., Viewport Adaptive Streaming has been proposed.

Tiếp theo, ý tưởng cơ bản của công nghệ này được giới thiệu bằng cấu trúc:

The basic idea is to .....

Ở đây tốt nhất là bạn nên viết trong 2,3 câu ngắn ngọn. Theo sau bởi một phần mô tả ở mức độ chi tiết hơn, trong ví dụ này là về tile-based approach. 

Khi mô tả về các khái niệm và cách thức liên quan đến một công nghệ, việc sử dụng các trợ từ (adverb) cho các động từ là rất cần thiết. Ví dụ, khi nói "360 video được chia thành nhiều phần gọi là tiles", thì động từ chia "divide" phải được đi kèm bời trạng từ "spatially" để chỉ rõ việc chia ở đây là theo miền không gian. Nếu không, người đọc có thể nhầm lẫn với việc chia video theo miền thời gian thành các segments. Tương tự với câu tiếp theo khi đề cập đến việc nén các tiles thành nhiều versions. Việc sử dụng trạng từ "independently" ở đây để chỉ rõ rằng, việc nén được thực hiện sau khi chia video thành các tiles, và được tiến hành độc lập với nhau. Câu cuối cùng của đoạn này mình áp dụng một cấu trúc hay dùng khi mô tả một hành động tác động lên hai thành phần khác nhau của hệ thống theo hai cách khác nhau. Trong trường hợp này, thay vì viết hai câu đơn lẻ, mình sẽ kết hợp thành một câu theo câu trúc.

A(B) is ... at A*(B*)

dấu ... là động từ chỉ hành động tác động lên  thành phần A và B. A* và B* là cách thức tác động.

2. Giới thiệu vấn đề bài báo sẽ giải quyết (problem)

Trong phần này, bạn cần mô tả được một cách rõ ràng câu hỏi (vấn đề) mà báo báo giải quyết. Ở trong bài báo này, vấn đề ở đây là "trade-off between viewport adaptivity and bitrate adaptivity". Thông thường sẽ có hai cách viết: một cách là đưa ra vấn đề trước sau đó giải thích, hai là đưa ra các dẫn chứng sau đó mới đưa ra vấn đề. Đây là một ví dụ:

Since the user tends to change his/her viewing direction when watching a 360 video, the viewport is usually varying during a streaming session [6]. Hence, adaptation methods for VAS should be able to adapt the tiles’ bitrates according to the time-varying viewport. In addition, the throughput in mobile networks may fluctuate significantly over time. Significant reductions in network throughput can lead to playback interruptions [7], which can greatly reduce the user viewing experience [8]. Hence, adaptation methods for VAS must also adapt the tiles’ bitrates according to the time-varying network throughput. To provide smooth playback under varying network conditions, the client should buffer some amount of video data before the playback of the video begins [7]. However, large buffer sizes can severely reduce the performances of VAS methods, as shown in [9]. Thus, there exists a trade-off between network adaptivity and viewport adaptivity in viewport adaptive streaming.

Trong đoạn này, tác giả sử dụng cách thứ hai. Đầu tiên, khái niệm về viewport adaptability được giải thích:

Since..., viewport is usually varying .... Hence, adaptations methods for VAS should be able to ...

Ở đây, tác giả giả thích bằng việc đưa ra một đặc trưng của người dùng khi xem video 360, đó là việc thay đổi góc nhìn liên tục, dẫn đến việc viewport thay đổi. Để đảm bảo tính khoa học cho bài báo, bạn phải đưa ra dẫn chứng để chứng minh tính đúng đắn của các câu trong bài bằng việc cite các tài liệu khoa học khác (bài báo, sách, technical report, vv.) ở cuối câu. Tương tự, sự cần thiết của network adaptivity được giải thích từ việc băng thông của mạng thay đổi liên tục theo thời gian. Cuối cùng, vấn đề chính của bài báo (trade-off between viewport adaptivity and bitrate adaptivity) được phân tích thông qua tác động của một biến trung gian là buffer.

3. Giới thiệu tổng quan về phương pháp bài báo đề xuất (solution) 

Phần này cần giới thiệu được 1) các điểm quan trọng của phương pháp đề xuất và 2) các kết quả chính của bài báo. Dưới đây là một ví dụ về phần 1.

In this paper, we propose a novel adaptation method for 360 video streaming over mobile networks that can provide high viewing experience to the users with the following key features.

  •  Scalable Video Coding (SVC) is utilized to tackle the trade-off between network adaptivity and viewport adaptivity.
  • The tile layer selection problem is formulated and an efficient algorithm is proposed.
  • A late tile layer termination scheme is presented that can save network resources by terminating the delivery of late tile layers using HTTP/2’s stream termination feature.
  • A tile layer updating scheme that can effectively deal with viewport estimation errors is proposed. The scheme makes use of HTTP/2’s stream priority feature.
Ở đây, tác giả đưa ra các kỹ thuật bài báo đề xuất và tác dụng cụ thể của từng kỹ thuật. Việc viết theo kiểu liệt kê như ở trên nên được sử dụng để giúp người đọc dễ hiểu. Một điểm quan trọng nữa là nếu đã có các phương pháp trước đây (existing methods) thì đoạn này cũng phải nêu được sự ưu việt (advantages) của phương pháp đề xuất so với các phương pháp cũ. Ở phần thứ hai, các kết quả chính của bài báo được giới thiệu như ví dụ ở phía dưới.

Experimental results using real head movement traces and real network throughput traces show that the proposed method can improve the average viewport bitrate by 16-17% compared to a reference method. Also, our method can avoid significant reductions in the buffer level.

Khi đề xuất một phương pháp mới, thì ở đoạn này bạn phải nêu bật được sự hiệu quả của phương pháp đề xuất một cách định lượng. Cấu trúc phổ biến có thể dùng ở đây là:

The proposed method can improve ... by ... compared to reference methods.

Ở dấu ba chấm đầu tiên là tên metric dùng để đánh giá (average viewport bitrate), dấu ba chấm thứ hai mức độ cải thiện của phương pháp đề xuất. Như đã nói ở trên, việc đưa ra các con số cụ thể sẽ làm cho bài báo có sức thuyết phục cao hơn.

Trên đây là giới thiệu về các thành phần và điểm chú ý khi viết phần Introduction của một bài báo khoa học. Các ví dụ sử dụng trong bài này được trích dẫn từ bài báo bên đưới.

Duc V. Nguyen, Hoang Van Trung, Hoang Le Dieu Huong, Truong Thu Huong, Pham Ngoc Nam, Truong Cong Thang, "Scalable 360 video streaming using HTTP/2", IEEE MMSP 2019 .

Saturday, September 19, 2020

Làm nghiên cứu như thế nào? (Phần 1)

Hôm nay có bạn hỏi mình làm thế nào để viết được một bài báo nghiên cứu khoa học. Sau đây là tóm tắt các khái niệm và quá trình làm nghiên cứu theo kinh nghiệm của bản thân mình. Hy vọng sẽ giúp các bạn có cái nhìn tốt hơn về làm nghiên cứu.

Đầu tiên phải nói đến khái niệm cơ bản liên quan đến làm nghiên cứu (research). Làm nghiên cứu tức đi tìm câu trả lời (answer/solution) cho một câu hỏi (question/problem) mà chưa ai trả lời được. Một ví dụ nổi tiếng là câu hỏi: Các hành tinh chuyển động xung quanh mặt trời theo quỹ đạo hình gì? Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên chúng ta cần tập hợp dữ liệu (data collection) về chuyển động của các hành tinh theo thời gian. Điều này được thực hiện đầu tiên bởi Tycho Brahe ở thế kỷ 16. Trong thời đại chưa có kính viễn vọng, Tycho ghi lại vị trí của các hành tinh bằng cách quan sát bằng mắt thường từ đêm này qua đêm khác. Độ chính xác cao từ dữ liệu của Tycho chính là tiền đề để Kepler trả lời câu hỏi về chuyển động của các hành tinh. Phương pháp mà Kepler sử dụng là trial-and-error. Đầu tiên ông giả thuyết (hypothesis) quỹ đạo của các hành tinh là đường tròn, sau khi tính toán vị trí của các hành tinh và so sánh với dữ liệu thực tế, ông nhận thấy sai số (error) là quá lớn. Kepler lặp đi lặp lại quá trình này và tìm ra rằng quỹ đạo phù hợp nhất với dữ liệu thực tế là hình ellipse với mặt trời nằm ở một trong hai focal points. Các kiến thức được đưa vào trong sách giáo khoa như định luật vạn vật hấp dẫn, định luật Faraday, thuyết tương đối cũng đều được xây dựng để trả lời các câu hỏi tương tự. (Việc xây dựng mô hình để dự đoán Quality of Experience (QoE) tương đương với việc trả lời câu hỏi: QoE phụ thuộc vào những nhân tố nào? Cách chúng ta trả lời câu hỏi này cũng không khác gì so với cách mà Kepler, Faraday, hay Einstein sử dụng!)

Làm nghiên cứu vì vậy sẽ có hai bước 1) xác định câu hỏi và 2) tìm câu trả lời. Đây là ví dụ về một câu hỏi.

Trong live streaming over HTTP, biết trước độ dài buffer và bitrate của từng version, tải version cho từng segment như thế nào để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng?

Phần đầu tiên của câu hỏi này "Trong live streaming over HTTP", định nghĩa bối cảnh (context) mà câu hỏi này áp dụng. Bối cảnh cũng sẽ xác định các ràng buộc (constraints) mà câu trả lời phải thỏa mãn. Ví dụ trong live streaming, bạn chỉ có thể gửi request cho một segment sau khi nó đã được tạo ra ở server. Một ràng buộc khác là độ trễ của tín hiệu phải nhỏ hơn một giá trị cho trước. Phần tiếp theo  "biết trước độ dài buffer và bitrate của từng version" định nghĩa các thông tin đầu vào (inputs) của bài toán. Phần cuối cùng "đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng" định nghĩ mục tiêu (objective) của câu trả lời. Vì vậy, xác định được câu hỏi tức là bản phải xác định được:
1. Bối cảnh (context)
2. Đầu vào (inputs)
3. Các ràng buộc (constraints)
4. Mục tiêu (objectives)

Cách mình thường dùng để tìm câu trả lời như sau:

1. Xác định giá trị của mục tiêu với các câu trả lời đơn giản nhất (baselines). Việc này sẽ giúp cho bạn đánh giá được hiệu quả mà phương pháp của bạn sẽ đề ra.
2. Đề xuất câu trả lời mới, đánh giá, và so sánh với giá trị ở bước 1
3. Cải tiến câu trả lời và lặp lại bước 2

Bước 2,3 là nơi mà mình thích nhất trong quá trình làm research vì được thoải mái sáng tạo, đưa ra ý tưởng và kiểm chứng tính hiệu quả của chúng. Đây cũng là nơi mà bạn phải dành nhiều thời gian nhất trong quá trình làm. Quá trình trial-and-error mà Kepler dùng để tìm ra dạng quỹ đạo của các hành tinh cũng nằm ở hai bước này.

Sau khi đã có một câu trả lời, việc quan trọng tiếp theo là phải so sánh với các câu  trả lời trước đây. Với các câu hỏi quan trọng, thì việc có khoảng 10 câu trả lời trước đây là việc rất bình thường. Nếu inputs của bạn hoàn toàn giống với inputs trong các bài báo trước đây thì bạn có thể dùng kết quả mà tác giả ghi trong bài báo của họ để đánh giá. Nếu không bạn sẽ cần phải implement và đánh giá lại câu trả lời của họ với dữ liệu đầu vào mà bạn đang dùng.

Sau khi đã chứng minh được rằng câu trả lời của bạn tốt hơn các đề xuất trước đây, bước cuối cùng là trình bày câu trả lời của bạn thành một bài báo để người đọc có thể hiểu và kiểm chứng được câu trả lời bạn đề xuất. Trong thực tế thì việc viết này sẽ được tiến hành ngay từ đầu và mình cũng khuyến khích các bạn như vậy. Nó sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn câu hỏi mà mình đang giải quyết. 

Kết: Làm nghiên cứu là một công việc mà bạn có thể rèn luyện được rất nhiều kĩ năng: tìm kiếm và giải quyết vấn đề, trình bày, làm việc nhóm, tiếng Anh. Tuy nhiên, nó cần rất nhiều nỗ lực và thời gian và phụ thuộc nhiều vào câu hỏi bạn giải quyết. Einstein chỉ mất 3 tháng để phát triển thuyết tương đối hẹp, nhưng mất tới 10 năm để tìm lời giải cho thuyết tương đối rộng. Trong bài tiếp theo, mình sẽ nói về hội nghị, tạp chí và các vấn đề liên quan.

Năm 2022 nhìn lại

Một năm bận rộn cũng sắp kết thúc. Để bố kể cho Sóc nghe về năm nay của nhà mình nhé. Nửa đầu năm là thời gian mà cả bố mẹ đều lao đầu vào c...